Sư Luangpor Pramote Pamojjo

Hãy tỉnh thức, nhận biết thân tâm theo đúng bản chất thực tế của nó bằng cái tâm định và sự quân bình

Phật pháp thực ra lại rất dễ dàng, là chuyện rất đơn giản và gần gũi với chúng ta vì là chuyện của riêng bản thân ta, chuyện về thân và tâm. Chúng ta hay hình dung Phật pháp với sự rối rắm, ta cứ nghĩ rằng việc thực hành pháp là phải làm gì đó thật phi thường rồi sẽ đến một ngày ta sẽ đạt được điều phi thường. Như thế là hiểu biết sai lầm.

Nhiều người bạn cùng khổ đã đến học thực hành pháp với tôi và sau đó tôi nhận thấy có một số vấn đề phát sinh như có một số người sợ rằng khi không được ở gần tôi thì sẽ không thực hành được hay thực hành không đúng cách. Nếu là người ở Băng Cốc thì cảm thấy an tâm hơn vì để gặp lại tôi là một điều không khó lắm. Nhưng nếu là người ở nước ngoài hay ở các tỉnh khác thì sẽ thấy rất lo lắng. Vì vậy, họ mong muốn một sự hướng dẫn có hệ thống và đơn giản để cảm thấy an tâm rằng họ có thể xem nó như là những phương pháp để tiếp tục thực hành giáo pháp trong khi không được gặp tôi.

Một số người đã nghe tôi nói chuyện nhưng vẫn không hiểu hay vẫn còn thắc mắc hoặc đã áp dụng thực hành theo câu trả lời mà tôi đã chỉ dạy cho người khác, mà thường thì mỗi người chúng ta lại có một sự tiến bộ hay một cách thức phù hợp với bản thân khác nhau. Như vậy, kết cục của nó không khác gì với việc ta uống phải thuốc trị bệnh của người khác cả. Vì thế nên họ mong muốn có được một cái nhìn tổng quan về phương pháp thực hành mà tôi đã hướng dẫn để họ có thể phần nào giải đáp được những thắc mắc của chính mình.

Một vấn đề khác tôi được biết là một số bạn đã trích dẫn những lời khuyên mà tôi đã nói trong những dịp, trong những thời điểm khác nhau để mang ra tranh luận với nhau về việc thực hành pháp.

Đọc tiếp

Rất khó cho chúng ta để có thể thấy rằng, giáo pháp là một điều vô cùng bình thường và đơn giản. Bởi vì từ hình thức của tôn giáo cho đến các giáo lý mà chúng ta đã biết thì cho dù như thế nào cũng có vẻ như không hề dễ dàng. Trước tiên là ngôn ngữ. Có rất nhiều từ ngữ được sử dụng bằng tiếng Pali trong các bài giảng pháp. Bên cạnh đó lại có rất nhiều những thuật ngữ chuyên sâu mà chỉ riêng việc tìm hiểu ý nghĩa của chúng thôi cũng đã là một việc khó khăn rồi.

Khi đã quen với các thuật ngữ và bắt đầu vào việc học giáo pháp, chúng ta lại gặp phải những trở ngại khác. Có rất nhiều bài giảng pháp mà Đức Phật đã truyền đạt. Thêm vào đó lại còn có nhiều sách báo từ các đệ tử của Ngài chỉ dạy.

Ngoài ra, một số người khi bắt tay vào việc thực hành lại gặp phải vấn đề như có rất nhiều trung tâm hành thiền và tất cả trong số đó đều cho rằng phương pháp mà mình đang sử dụng là chính xác nhất theo phương pháp Tứ niệm xứ (Satipatthana). Có khi họ còn cho rằng các trung tâm khác đã chỉ dạy những cách thức sai lệch và không phù hợp với lối thực tập Tứ niệm xứ này.

Những khó khăn mà mọi người mắc phải nói trên khiến cho tôi phải tự hỏi bản thân mình rằng “Liệu chúng ta có thể nào nghiên cứu giáo pháp một cách đơn giản mà không cần phải biết đến tiếng Pali, không đọc sách hay không phải đến bất cứ một thiền viện nào không?”

Thực chất giáo pháp mà Đức Phật đã truyền đạt là những điều rất giản đơn và đời thường, giống như những người từng được nghe Ngài trực tiếp thuyết pháp thường kêu lên rằng: “Nó thật quá rõ ràng! Giáo pháp mà Ngài đã truyền đạt giống như lộn mặt trái của một vật ra vậy.”

Đọc tiếp

Thực hành pháp thực ra là việc nghiên cứu pháp. Pháp là thân, là tâm. Thân được gọi là Sắc (rupa), Tâm được gọi là Danh (nama). Chúng ta hãy nghiên cứu thân, nghiên cứu tâm, thường xuyên rèn luyện, theo dõi bản chất thực tế của thân và tâm là như thế nào? Cái bản chất thực tế ấy chính là pháp. Nếu hiểu được sự thật của thân và tâm tức là hiểu được pháp"

 

… Nếu một ngày hiểu được pháp, ta sẽ thấy rằng thân và tâm này không phải "ta". Đó được gọi là có con mắt nhìn thấy chân lí. Vị Nhập lưu (Tu đà hoàn, Sotapanna) có con mắt nhìn thấy được chân lí, thấy được sự thật rằng thân và tâm không phải là ta. Không có cái "ta"…

-- Sư Luangpor Pramote Pamojjo

Tất cả những quyển sách của Sư Luangpor Pramote Pamojjo đều được Ngài viết bằng tiếng Thái, được xuất bản và chia sẻ như là một món quà từ Phật Pháp với ý định truyền bá Phật giáo để lưu truyền cho những thế hệ mai sau. Những quyển sách đó đều được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau với sự cho phép của Sư Luangpor Pramote Pamojjo. Tuy nhiên, tất cả các bản dịch đều được dịch theo sự hiểu biết riêng của nhà xuất bản và dịch giả. Sư Luangpor Pramote không thể hiểu biết hết những ngôn ngữ đó một cách sâu sắc, vì vậy Ngài không thể kiểm tra các bản dịch đó được. Thế nên xin lưu ý rằng dù với tất cả những cố gắng và nỗ lực của phiên dịch viên thì việc mắc lỗi hay có sai sót trong việc giải thích là điều khó tránh khỏi