Một câu chuyện giản dị và thông thường của pháp

Rất khó cho chúng ta để có thể thấy rằng, giáo pháp là một điều vô cùng bình thường và đơn giản. Bởi vì từ hình thức của tôn giáo cho đến các giáo lý mà chúng ta đã biết thì cho dù như thế nào cũng có vẻ như không hề dễ dàng. Trước tiên là ngôn ngữ. Có rất nhiều từ ngữ được sử dụng bằng tiếng Pali trong các bài giảng pháp. Bên cạnh đó lại có rất nhiều những thuật ngữ chuyên sâu mà chỉ riêng việc tìm hiểu ý nghĩa của chúng thôi cũng đã là một việc khó khăn rồi.

Khi đã quen với các thuật ngữ và bắt đầu vào việc học giáo pháp, chúng ta lại gặp phải những trở ngại khác. Có rất nhiều bài giảng pháp mà Đức Phật đã truyền đạt. Thêm vào đó lại còn có nhiều sách báo từ các đệ tử của Ngài chỉ dạy.

Ngoài ra, một số người khi bắt tay vào việc thực hành lại gặp phải vấn đề như có rất nhiều trung tâm hành thiền và tất cả trong số đó đều cho rằng phương pháp mà mình đang sử dụng là chính xác nhất theo phương pháp Tứ niệm xứ (Satipatthana). Có khi họ còn cho rằng các trung tâm khác đã chỉ dạy những cách thức sai lệch và không phù hợp với lối thực tập Tứ niệm xứ này.

Những khó khăn mà mọi người mắc phải nói trên khiến cho tôi phải tự hỏi bản thân mình rằng “Liệu chúng ta có thể nào nghiên cứu giáo pháp một cách đơn giản mà không cần phải biết đến tiếng Pali, không đọc sách hay không phải đến bất cứ một thiền viện nào không?”

Thực chất giáo pháp mà Đức Phật đã truyền đạt là những điều rất giản đơn và đời thường, giống như những người từng được nghe Ngài trực tiếp thuyết pháp thường kêu lên rằng: “Nó thật quá rõ ràng! Giáo pháp mà Ngài đã truyền đạt giống như lộn mặt trái của một vật ra vậy.”

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì mỗi chúng ta đều sinh ra với pháp, sống với pháp và cũng chết cùng với pháp. Nó luôn là như thế nhưng chúng ta không nhận ra được rằng pháp hiện hữu ở nơi đây cho đến khi được Đức Phật chỉ dạy thì chúng ta mới chợt nhận ra rằng nó một cách dễ dàng.

Một điều nữa là sự hiểu biết sâu rộng của Ngài. Những vấn đề phức tạp nhất cũng được Ngài giải thích một cách ngắn gọn và súc tích. Ngài có khả năng truyền đạt những điều cốt lõi của giáo pháp một cách thích hợp nhất cho từng người nghe. Ngài không gặp phải bất cứ trở ngại gì về mặt ngôn ngữ nên có thể truyền đạt pháp một cách đơn giản và dễ hiểu. Khác với nhiều người nghiên cứu và giảng dạy giáo pháp ở thế hệ sau này, họ đã làm cho pháp, từ những điều rất gần gũi và rất đơn giản, trở nên phức tạp và xa xôi với chúng ta đến mức không cần thiết cho việc chấm dứt khổ đau. Thậm chí ngôn ngữ được sử dụng trong việc giảng dạy pháp cũng gây ra khó khăn cho bất cứ ai muốn tìm hiểu những bài dạy của Đức Phật.

Thế nhưng sự thật là pháp lại rất gần gũi với chúng ta, thậm chí gần đến mức có thể nói đó là chuyện về chúng ta, chuyện của chính mình. Và lĩnh vực nghiên cứu pháp cũng rất là giản đơn. Đó là làm thế nào để không sinh ra khổ đau?

Khi nghiên cứu Pháp, chúng ta nghiên cứu trực tiếp đến những vấn đề sau: “Sự đau khổ nằm ở đâu?” “Nó phát sinh ra sao?” “Và chấm dứt như thế nào?”

Sự thành công của việc nghiên cứu pháp là ở việc thực hành pháp cho đến khi thoát khỏi sự đau khổ chứ không phải ở số lượng kiến thức ngập tràn trong đầu óc hay là ở khả năng giảng dạy giáo pháp một cách xuất chúng.

Sự thật là những khổ đau mà chúng ta đã trải qua lại nằm ở trong chính thân và tâm của mỗi người. Phạm vi nghiên cứu pháp thật ra chỉ nằm bên trong cái thân và tâm này thôi. Thay vì cứ nhìn ra thế giới bên ngoài để học hỏi thì ta hãy tự nhìn vào bên trong cái thân và tâm của chính mình. Phương pháp rất đơn giản chỉ cần ta quan sát thân và tâm một cách chặt chẽ, rốt ráo. Và ta có thể bắt đầu bằng việc quan sát cơ thể vật lý này.

Đầu tiên là thư giãn thân và tâm. Ta không cần phải quá căng thẳng hay suy nghĩ nhiều về việc thực hành pháp. Ta chỉ nên nghĩ rằng mình sẽ chỉ quan sát cái cơ thể này thôi. Không quan trọng là ta sẽ quan sát và nhận biết được bao nhiêu, chỉ cần ta quan sát nhiều nhất có thể cũng đã đủ rồi.

Một khi đã cảm thấy thoải mái, chúng ta hãy thử nghĩ đến cơ thể của mình. Ta có thể nhận biết toàn bộ cơ thể, xem nó như thể là ta đang xem một người máy. Nó có thể đi bộ, di chuyển, nhai, nuốt thức ăn để bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể và bài tiết chất thải ra bên ngoài.

Nếu chúng ta xem người máy này có tên là “tôi” đang thực hiện nhiệm vụ của mình và ta chỉ ở đó quan sát. Đến một mức độ nào đó ta sẽ thấy rằng cơ thể này thực sự không phải là của mình. Nó chỉ là một vật thể không bao giờ đứng yên và không cố định. Ngay cả các bộ phận tạo nên người máy có tên là “tôi” này cũng thay đổi liên tục. Chẳng hạn như hít vô rồi thở ra, ăn uống rồi lại bài tiết. Nó không phải là những vật chất ổn định để có thể duy trì mãi được. Nếu chúng ta thực hành quán xét thân và tâm của mình như thế thì sự bám chặt vì hiểu lầm rằng “Cơ thể là của tôi” sẽ tự giảm dần đi. Và rồi ta sẽ nhận thấy có một tính chất tự nhiên khiến ta có thể nhận biết được cơ thể và nó nằm ở bên trong. Đó chính là tâm.

Đến khi chúng ta thấy rõ ràng rằng cơ thể chỉ là một khối vật chất, không ổn định, nó không phải là chúng ta. Lúc này ta hãy thử tiếp tục quan sát những gì tiềm ẩn bên trong nó và với phương pháp này ta sẽ nghiên cứu về bản thân mình được sâu sắc và chi tiết hơn.

Điều nằm tiềm ẩn bên trong cơ thể này mà ta có thể thấy được dễ dàng đó là cảm giác hạnh phúc, bất hạnh hay quân bình. Ví dụ khi chúng ta thấy người máy này di chuyển đến chỗ này hay chỗ khác thì không bao lâu sau nó sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau, đói khát hay những cảm giác khó chịu khác liên tục phát sinh trong một khoảng thời gian nhất định. Một khi những cảm giác khó chịu đó mất đi nó sẽ được thay thế bằng những cảm giác thoải mái khác (cảm thấy hạnh phúc) cũng trong một khoảng thời gian nhất định. Như khi chúng ta khát nước, ta sẽ cảm thấy khó chịu nhưng nếu được uống nước thì những cảm giác khó chịu vì khát nước đó sẽ mất đi hoặc khi chúng ta ngồi ở một tư thế trong một khoảng thời gian dài, ta sẽ cảm thấy đau mỏi, cảm thấy bất hạnh nhưng khi thay đổi tư thế thì những cảm giác khó chịu đó cũng sẽ tan biến và cảm giác bất hạnh cũng sẽ không còn nữa (cảm thấy hạnh phúc).

Đôi khi chúng ta bị bệnh, chúng ta sẽ nhận thức được nỗi đau trong cơ thể một cách liên tục trong một thời gian dài. Ví dụ khi chúng ta bị đau răng liên tục trong vài ngày, nếu chúng ta theo dõi, quán sát và nhận thức được cơn đau đó ta sẽ thấy rất rõ ràng rằng cơn đau ấy nó nằm chèn ở giữa nướu và răng nhưng nướu và răng bản thân nó lại không thấy đau gì cả. Cơ thể cũng giống như người máy vậy, nó sẽ không có cảm giác đau khổ, những đau khổ ấy lại là một cái khác nằm ẩn ở bên trong cái cơ thể này.

Và chúng ta cũng sẽ biết rằng những cảm giác hạnh phúc, cảm giác khổ đau hay là một cảm giác bình thường nào đó nó không phải là cơ thể, nó chỉ là một cái gì nằm ở bên trong cơ thể mà thôi. Và quan trọng là những cảm giác ấy cũng là một cái gì đang được nhận biết, được quan sát giống như việc quan sát chính cái thân thể này.

Tiếp đến chúng ta sẽ nghiên cứu bản thân mình một cách chi tiết hơn thông qua việc theo dõi và quan sát kỹ lưỡng mỗi khi phát sinh một cơn đau bất kì nào, tâm trí chúng ta cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Ví dụ như khi chúng ta đói bụng thì sẽ dễ tức giận, khi chúng ta mệt mỏi cũng sẽ dễ tức giận, bị bệnh cũng dễ tức giận hay cảm giác ham muốn phát sinh mà không được đáp ứng cũng sẽ dễ tức giận. Chúng ta hãy nhận thức được những sự giận dữ đang xuất hiện ấy trong khi đối mặt với khổ đau.

Ngược lại, khi chúng ta nhìn thấy cảnh đẹp, nghe thấy âm thanh vui tai, ngửi thấy mùi thơm, nếm được vị ngon, cơ thể được tiếp xúc với những thứ mềm mại hoặc nhiệt độ vừa phải, thoải mái, không quá nóng cũng không quá lạnh hay được nghĩ đến những gì mình thích thì chúng ta sẽ cảm thấy thích thú và hài lòng với những gì mà chúng ta được nghe, được ngửi, được nếm, được tiếp xúc và được nghĩ đó. Lúc này ta hãy nhận biết những sự yêu thích và hài lòng ấy, một khi chúng ta đã nhận biết được sự tức giận hay sự yêu thích thì tương tự ta cũng có thể nhận biết được những tâm trạng khác chẳng hạn như sự nghi ngờ, sự ác cảm, sự trầm cảm, sự ghen tị, thái độ khinh thị người khác hay sự trong sáng, sự bình yên trong tâm trí v.v..

Khi chúng ta nghiên cứu những tâm trạng hay những cảm giác trên ngày càng nhiều, ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng tất cả các trạng thái đó thực sự không ổn định. Như khi chúng ta giận dữ và nhận biết về sự giận dữ đó, ta sẽ thấy rằng mức độ của sự giận dữ sẽ thay đổi liên tục, đến một lúc nào đó nó sẽ tự mất đi. Và mặc dù sự giận dữ có biến mất hay không thì nó cũng chỉ là một đối tượng được quan sát và nhận biết chứ không phải là chúng ta. Không có chúng ta bên trong sự giận dữ này. Ta có thể nhận ra các cảm xúc và tâm trạng khác cũng giống như việc nhận biết về sự giận dữ này vậy.

Đến đây ta sẽ nhận thấy thật rõ ràng rằng cơ thể này chỉ là một người máy mà thôi. Cái cảm giác hạnh phúc, khổ đau hay là các trạng thái khác cũng chỉ là đối tượng được nhận biết chứ không phải là chúng ta. Càng theo dõi và nghiên cứu tâm của chính mình, ta sẽ càng nhận thấy được quá trình hoạt động của nó một cách rõ ràng hơn. Đến một lúc nào đó ta sẽ nhận ra một sự thật rằng đau khổ chỉ là cảm xúc được phát sinh bởi một nguyên nhân nào đó và nó chỉ tác động trong một khoảng thời gian mà thôi.

Và rồi ta sẽ nhận ra được những năng lực hay sự thúc đẩy nằm bên trong tâm của ta. Như khi ta nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, tâm ta cảm thấy yêu thích cô ấy. Điều này sẽ tạo ra một sự thúc đẩy trong tâm làm cho tâm ta chuyển ra ngoài và bám vào người phụ nữ ấy mà quên mất đi rằng bản thân mình chỉ đơn thuần là nhìn thấy một người phụ nữ mà thôi. (Về việc tâm di chuyển, nếu là người học kinh điển có thể sẽ cảm thấy bối rối. Nhưng nếu bắt tay vào thực hành, ta sẽ nhận ra rằng sự nhận biết ấy nó thực sự có thể di chuyển được. Đúng như lời Đức Phật đã nói: Tâm nó có thể di chuyển đi đây đó thật xa. Thực không sai một từ nào).

Hoặc khi ta bắt đầu nghi ngờ về cách thức thực hành pháp, ta cũng sẽ thấy như có một lực thúc đẩy buộc ta phải suy nghĩ để tìm ra câu trả lời. Tâm ta sẽ chuyển vào thế giới của sự suy nghĩvà ta đã quên đi việc nhận biết chính mình. Con người máy này nó vẫn còn ở đó nhưng ta lại quên nghĩ về nó như thể là nó đã biến đi đâu mất rồi vậy. Những cảm giác khác ở bên trong tâm trí ta ra sao ta cũng không biết vì lúc này đây ta đang mải bận rộn kiếm tìm câu trả lời cho những chuyện mà mình đang nghi ngờ.

Nhưng nếu rèn luyện nhận biết cái tâm này ngày một nhiều hơn thì không bao lâu sau ta sẽ tự nhận ra được rằng đau khổ nó phát sinh như thế nào? Sự thoát khỏi khổ đau sẽ nảy sinh ra sao? Trạng thái không đau khổ là như thế nào? Bản thân tâm của chúng ta nó sẽ tự tiến bộ mà không cần phải suy nghĩ về Thiền định, Trí huệ hay Niết bàn.

Đến đây ta có thể không thành thạo giáo pháp, có thể không hiểu lấy được một từ ngữ tiếng Pali nhưng tâm trí đã thoát khỏi khổ đau. Hoặc là mặc dù vẫn gặp phải khổ đau nhưng sẽ không đau khổ nhiều và nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi.

Tôi viết bài này để làm quà cho tất cả những ai quan tâm đến việc học tập và thực hành giáo pháp. Để truyền đạt rằng Giáo pháp là chuyện rất đỗi bình thường, là chuyện về bản thân ta và không quá khó khăn để ta có thể tự mình học và thực hành theo. Đừng có nản chí khi nghe người khác nói chuyện về giáo pháp mà ta lại không thể hiểu. Ta không cần phải biết bất cứ gì, chỉ cần biết rằng làm thế nào để ta không phải khổ đau thôi cũng đã đủ rồi. Vì tất cả những điều ấy chính là Phật giáo và bất cứ ai cũng nên học hành theo vì việc này rất cần thiết cho bản thân của mỗi người.